Micheal Jackson ra đi, các album cũ bắt đầu “sốt” trên thị trường và nhiều người vỡ òa bật khóc vì biết rằng một ông vua nhạc pop đã “băng hà” thật sự.
Thế giới sẽ không thôi "thổn thức" về anh
Tin ông vua nhạc pop ra đi gây bàng hoàng cho cả thế giới, cộng đồng mạng “nghẽn mạch” và cả các phóng viên mỏi tay vì… gõ tin về Micheal Jackson - một cái tên quá quen thuộc với những siêu phẩm trong làng âm nhạc thế giới và cả những “siêu scandal” đã từng gây chấn động trong lòng người hâm mộ…
Không chỉ ở Mỹ… ở Việt Nam cũng thế, từ đầu đường đến cuối chợ đều nghe mọi người bàn về “cái chết của Mai Cồ” cho thấy mức độ đại chúng của một siêu sao mà người Việt gần như chỉ biết ông qua… đĩa lậu mà cái tên còn đọc trật tới trật lui, thế nhưng cái tên “Mai Cồ” (cách gọi thân thương của người miền Nam về Micheal Jackson) vẫn là gần gũi nhất với người Việt Nam so với bất kỳ nghệ sĩ quốc tế nào. Người Việt hâm mộ anh từ bước nhảy cho đến những tình tiết “ngoài âm nhạc” của MJ.
Michael Jackson xuất hiện trên sân khấu tại lễ trao giải MTV Music năm 1995
Tuy nhiên ngoài những “định kiến” về việc “giải phẩu thẩm mỹ” của MJ ra thì có lẽ tôi và tất cả những người yêu nhạc cũng không ai có thể phủ nhận một tài năng lừng lẫy có thể làm thay đổi bộ mặt nhạc pop của thế giới và đưa khán giả đến với một thế giới “nghe - nhìn” thay vì chỉ “nghe” như trước đây với những video clip thuộc “hàng khủng” mà cả Hollywood cũng phải ngã mũ chào khi xem các clip của anh vào thời đó và hình như các clip cách đây hai thập kỉ mà vẫn còn là “đỉnh” mà chưa ca sĩ nào “trèo” qua nổi. Đó là chưa kể đến phần âm nhạc, đặc biệt là hòa âm, hoàn toàn không rặt chất Mỹ như những siêu sao khác ở Mỹ thường làm để khẳng định vai trò “đế quốc” của mình trong âm nhạc thì MJ ngược lại với những hòa âm mang tính toàn cầu, mà ấn tượng với giới chuyên môn nhất có lẽ là một “Earth song” của anh, cả châu Á, châu Phi đều nhận ra âm giai của mình trên một “beat” rất Mỹ.
Không chỉ thế mà nội dung các ca khúc của MJ một thời được dịch ra nhiều thứ tiếng với một thông điệp “hàn gắn thế giới”, “bảo vệ môi trường” một cách cụ thể và đại chúng hơn hơn cả BodDylan hay JohnLenon (đó là theo cách nhìn “đại chúng” của tôi).
Anh là một huyền thoại thực sự của cả những khán giả bình dân nhất, nhiều người Việt có thể không biết BodDylan là ông nào, nhưng bảo đảm khi nói tới “Mai cồ” là ai cũng biết dù có nhiều người không hiểu nổi một câu trong bài hát của MJ - điều đó cho thấy “hào quang” của “vua MJ” đã vượt qua những rào cản, định kiến về ngôn ngữ, địa lý, lẫn màu da - nếu như anh không “lỡ” biến mình thành người da trắng.
Hình ảnh “ông vua nhạc Pop” trên sân khấu năm 1983
Tối qua, khi trời đổ một cơn mưa lớn, cộng đồng mạng “treo blast”: Trời mưa vì khóc MJ và hàng loạt người hâm mộ tại Hà Nội và TPHCM không hẹn mà cùng gặp nhau tại… công viên để thắp nến tưởng niệm MJ. Đôi khi nhìn làn sóng hâm mộ anh mà tôi choáng ngợp quên đi cái sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng mà anh đã để lại với 13 giải Grammy và hơn nửa tỉ album đã phát hành. Rõ ràng, công nghệ ghi âm thế giới thay đổi khi các album của MJ xuất hiện, người yêu nhạc thay đổi cách thưởng thức từ khi có MJ, mọi người cùng nhau nhìn lại và cùng nhau “hàn gắn thế giới” khi nghe các ca khúc mang thông điệp toàn cầu của MJ…
Rồi cơn sốt album của MJ cũng dứt, dòng người tưởng niệm cũng dừng và sẽ có những tài năng mới xuất hiện nhưng tài năng và cả sự tranh cãi của mọi người về MJ có lẽ vẫn chưa chấm dứt vì MJ mãi là một “ông hoàng nhạc pop” duy nhất mà nhân loại tôn vinh.
Nghe lại Heal the World, Black or White của “ông”, người ta không còn khái niệm “trắng hay đen” trong màu da nữa, mà âm nhạc chỉ có một màu - màu xanh trong thông điệp mà MJ gởi lại cho nhân loại trong “siêu phẩm” Earth Song. Nhân loại sẽ còn “nợ” MJ rất nhiều vì một sự cố gắng cho ước muốn thế giới sẽ “xanh tươi” hơn…